Hiểu về cảm xúcMối quan hệTâm lý học

7 Thói Quen Của Người Có Trí Tuệ Cảm Xúc

Những người thông minh về mặt cảm xúc có một số thói quen và hành vi góp phần vào khả năng quản lý cảm xúc của chính họ và hiểu được cảm xúc của người khác. Việc áp dụng một số đặc điểm này vào cuộc sống của bạn có thể giúp bạn tận dụng tối đa cách tương tác với người khác và thúc đẩy các mối quan hệ giữa các cá nhân bền chặt hơn. 

Bạn có biết ai rất nhạy bén với cảm xúc của chính chính, có khả năng thể hiện cảm xúc theo cách phù hợp, cũng như đồng cảm và hiểu được cảm xúc của người khác không? Người đó có lẽ là một cá nhân rất thông minh về mặt cảm xúc.
Những người có trí tuệ cảm xúc có xu hướng tự nhận thức bản thân, đồng cảm, bày tỏ, có nhận thức. Họ tốt trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình và duy trì động lực khi họ làm việc hướng đến những mục tiêu của mình. Họ cũng có kỹ năng xã hội tốt và sử dụng sự hiểu biết của mình về cảm xúc để giao tiếp một cách hiệu quả.
Trong khi một số người có những kỹ năng này một cách tự nhiên, còn bạn có thể học cách trở thành người có trí tuệ cảm xúc hơn.

Trí Tuệ Cảm Xúc Là Gì?

Nhà triết học Aristotle đã mô tả ý nghĩa của trí tuệ cảm xúc hàng trăm năm trước, trước khi thuật ngữ này trở nên phổ biến. Ông nói: 

“Bất kỳ ai cũng có thể trở nên tức giận – điều đó thật dễ dàng. Nhưng để giận dữ với đúng người, với mức độ đúng, vào thời điểm đúng, với mục đích đúng và đúng cách – thì không hề dễ dàng.”

Câu trích dẫn này tóm tắt một cách hoàn hảo một khái niệm đã trở thành một chủ đề nóng trong tâm lý học, giáo dục và kinh doanh: trí tuệ cảm xúc. Mọi người đôi khi gọi trí tuệ cảm xúc là EQ (Emotional Quotient).

Người có trí tuệ cảm xúc cao được đặc trưng bởi: 

  • Khả năng nhận thức cảm xúc
  • Khả năng lý luận bằng cảm xúc
  • Khả năng thấu hiểu cảm xúc
  • Khả năng quản lý cảm xúc

Mục đầu tiên, nhận thức cảm xúc được coi là cấp độ cơ bản nhất hoặc cấp độ đầu tiên của trí tuệ cảm xúc. Các kỹ năng tiến triển đến mục cuối cùng, quản lý cảm xúc, được coi là cấp độ cao nhất của trí tuệ cảm xúc. Điều này liên quan đến khả năng quản lý cảm xúc của bạn và cảm xúc của người khác.

Đặc điểm của trí tuệ cảm xúc thấp bao gồm sự vô cảm, kỹ năng đối phó kém, bộc phát cảm xúc và ích kỷ. Nếu bạn muốn xây dựng kỹ năng của riêng mình, điều quan trọng là phải học hỏi thêm về một số đặc điểm chính của những người có trí tuệ cảm xúc.

1. Tự Nhận Thức Bản Thân

Nhà tâm lý học và là tác giả Daniel Goleman xác định nhận thức về bản thân là một trong những thành phần chính của trí tuệ cảm xúc. Nhận thức bản thân liên quan đến khả năng nhận biết tâm trạng, cảm xúc.

Một phần của nhận thức bản thân cũng bao gồm việc nhận thức được cảm xúc và tâm trạng của bạn ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Khả năng theo dõi trạng thái cảm xúc của chính bạn là một yêu cầu cơ bản đối với trí tuệ cảm xúc.

2. Sự Đồng Cảm

Theo Goleman, sự đồng cảm là một trong những yếu tố chính của trí tuệ cảm xúc. Điều này liên quan đến khả năng hiểu được cảm xúc của người khác.

Để tương tác với người khác trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, như tại nơi làm việc hay trường học, bạn cần biết họ đang cảm thấy điều gì. Nếu một đồng nghiệp đang buồn bã hoặc thất vọng, việc biết họ đang cảm thấy thế nào có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cách phản ứng.

3. Tự Điều Chỉnh Bản Thân

Tự điều chỉnh bản thân là cốt lõi của trí tuệ cảm xúc. Việc hiểu được cảm xúc của mình là điều tuyệt vời nhưng không thực sự hữu ích nếu bạn không thể sử dụng kiến thức này.

Những người thông minh về mặt cảm xúc, họ suy nghĩ trước khi hành động theo cảm xúc của mình. Họ đồng điệu với cảm xúc của mình, nhưng không để cảm xúc chi phối cuộc sống của mình.

4. Động Lực

Những người có trí tuệ cảm xúc, họ có động lực để đạt được mục tiêu của mình. Họ có khả năng quản lý hành vi và cảm xúc của mình để đạt được thành công lâu dài.

Họ có thể lo lắng về việc đưa ra thay đổi trong cuộc sống của mình, nhưng họ biết rằng việc quản lý nỗi sợ là điều quan trọng. Bằng cách dám bước ra và thực hiện thay đổi, họ biết rằng mình có thể cải thiện cuộc sống và tiến gần hơn một bước tới việc đạt được các mục tiêu của mình.

5. Những Kỹ Năng Xã Hội

Người thông minh về mặt cảm xúc có xu hướng có kỹ năng xã hội mạnh mẽ. Điều này có thể là do họ rất nhạy cảm với cảm xúc của chính mình cũng như của người khác.

Họ biết cách ứng xử hiệu quả với mọi người và luôn nỗ lực duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh cũng như giúp đỡ những người xung quanh thành công.

6. Sự Biểu Cảm

Đôi khi mọi người đồng cảm và đồng điệu với cảm xúc của mình, nhưng lại gặp khó khăn khi thực sự chia sẻ những cảm xúc này với người khác. Những người thông minh về mặt cảm xúc không chỉ hiểu cảm xúc mà còn biết cách thể hiện chúng một cách phù hợp.

Chúng ta đang nói đến điều gì khi nói đến “thích hợp”? Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn vừa trải qua một ngày làm việc tồi tệ. Bạn mệt mỏi, thất vọng và tức giận về cách mọi thứ diễn ra trong một cuộc họp quan trọng.

Việc thể hiện cảm xúc không phù hợp có thể bao gồm việc về nhà cãi vã với vợ/chồng hoặc gửi email khó chịu cho sếp.

Một phản ứng phù hợp hơn sẽ là thảo luận về sự thất vọng của bạn với vợ/chồng, giải tỏa căng thẳng bằng cách đi bộ và lập kế hoặch để ngày hôm sau tốt đẹp hơn ngày hôm trước.

7. Sự Nhận Thức

Hãy tưởng tượng rằng bạn thấy bản thân đang cảm thấy bực bội và tức giận với một đồng nghiệp. Khi bạn đánh giá cảm xúc của mình, hãy phân tích xem bạn thực sự bực bội về điều gì. Bạn tức giận về hành động của đồng nghiệp hay cơn tức giận của bạn xuất phát từ sự bực bội tiềm ẩn và áp lực từ sếp đã chất quá nhiều việc và trách nhiệm lên đầu bạn?

Người thông minh về mặt cảm xúc có thể nhìn nhận tình huống và xác định đúng nguồn gốc thực sự cảm xúc của mình.

Nhìn chung điều này có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế là cuộc sống cảm xúc của chúng ta có thể vừa phức tạp, vừa lộn xộn. Việc xác định chính xác nguồn gốc cảm xúc của bạn có thể đặc biệt khó khăn khi bạn đang phải đối mặt với những cảm xúc mạnh mẽ như tình yêu và sự tức giận.

Tóm Lại

Bạn có thể học cách trở nên có trí tuệ cảm xúc hơn. Trẻ em và người lớn đều có thể học cách tăng cường EQ.

Hãy thử suy ngẫm về mức độ tự nhận thức của bạn. Ví dụ, bạn có nhận thức được cảm xúc của mình không? Bạn có hiểu cảm xúc của mình tác động đến niềm tin và hành vi của mình như thế nào không? Bạn có nhận thấy hành vi của mình tác động đến những người xung quanh như thế nào không? 

Nhận thức cách chúng ta nghĩ và cảm nhận, và cách những hành động của chúng ta ảnh hướng đến người khác là nền tảng tốt để xây dựng trí tuệ cảm xúc.

Nguồn: verywellmind.com

Dịch: Brian Dinh

Related posts
Đời sốngHiểu về cảm xúcTâm lý học

Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế Là Gì? Làm Thế Nào Để Tôi Dừng Bị OCD?

Đời sốngMối quan hệTâm lý học

Làm Sao Để Ngưng Ám Ảnh Về Một Ai Đó

Đời sốngHiểu về cảm xúcMối quan hệPhát triển bản thân

Những Dấu Hiệu Của Người Có Lòng Tự Trọng Thấp

Hiểu về cảm xúcTâm lý học

Vai Trò Của Hạch Hạnh Nhân Trong Hành Vi Và Cảm Xúc Con Người

Sign up for our Newsletter and
stay informed

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *